VĂN HÓA DOANH NGHIỆP LÀ NỀN TẢNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU" Đó là chia sẻ của thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn Hỗ trợ Chiến lược Win-Win trong cuộc trò chuyện với Tạp chí doanh nhân vì cộng đồng ![]() Thưa ông, Quốc hội khóa XIII lần này có tỷ lệ doanh nhân trúng cử đại biểu Quốc hội nhiều nhất từ trước đến nay (38 doanh nhân), ông nhận định thế nào về tín hiệu này? Kết quả này cho chúng ta thấy ba dấu hiệu tích cực. Thứ nhất, người dân mong muốn doanh nhân đóng góp kiến thức, kinh nghiệm nhiều hơn trong việc xây dựng chính sách phát triển quốc gia theo hướng bền vững. Thứ hai, doanh nhân là những người hít hơi thở của môi trường kinh doanh thực sự, nên những ý kiến đóng góp của họ sẽ rất thực tiễn, có lợi cho phát triển kinh tế theo cụm ngành nghề. Thứ ba, phản ánh sự thành công của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Khi tham gia chính trường, bản thân doanh nghiệp phải như thế nào để xứng đáng là đại diện của người dân, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp? Doanh nghiệp có lãnh đạo tham gia chính trường, doanh nghiệp đó phải tiên phong trong việc tuân thủ "các qui định của pháp luật từ tâm", nghĩa là doanh nghiệp đó phải là tấm gương sáng để các doanh nghiệp khác làm theo về đạo đức và năng lực kinh doanh. Cụ thể, mọi hành vi của doanh nghiệp phải kết hợp hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia, sự phát triển của doanh nghiệp phải dựa trên sự phát triển bền vững của đất nước, mong đợi của người dân. Doanh nghiệp phải có tầm để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, cho xã hội, từ đó đóng góp về vật chất và tinh thần cho cộng đồng xã hội, chia sẻ những thành tựa của doanh nghiệp mình để các doanh nghiệp khác học hỏi, cùng nhau phát triển. Ngày nay, các doanh nghiệp lớn đều xem việc xây dựng hình ảnh công ty thông qua văn hóa doanh nghiệp, gắn với cộng đồng xã hội. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này vẫn còn hạn chế. Quan điểm của Công ty Win-Win trong vấn đề này là như thế nào? Hạn chế của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ở tầm nhìn, vì chưa thấy được vai trò thật sự của đội ngũ nhân sự, nên chưa thấy vai trò của VHDN. Với tầm nhìn ngắn hạn, doanh nghiệp thường cho rằng, việc xây dựng VHDN tốn rất nhiều tiền. Nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng VHDN đòi hỏi sự quyết tâm của lãnh đạo nhiều hơn là tiền bạc, thời gian, công sức và có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp lớn trong thời gian ngắn nhờ vào việc đầu tư xây dựng VHDN hiệu quả. Họ xem VHDN là nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu. Thưa ông, nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ) lựa chọn truyền thông để hỗ trợ xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Ông nhận định thế nào về mối quan hệ này? Bên trong có sâu sắc thì mới thể hiện ra bên ngoài hoàn hảo. Nếu bên trong của doanh nghiệp thật sự tốt, thì việc chọn các phương tiện truyền thông hỗ trợ xây dựng hình ảnh thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. Nếu doanh nghiệp là tổ chức tràn đầy sức sống, toàn thể cán bộ nhân viên xem doanh nghiệp như là ngôi nhà thứ hai, cùng nhau chiến đấu và làm việc hết sức mình, tiềm năng của cán bộ nhân viên được đánh thức bằng chính niềm tự hào trong quá trình làm việc, để từ đó, chuyển từ "bán những sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao" sang "bán những giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm đó" thì lời hứa của thương hiệu được nâng đỡ bằng bản sắc văn hóa - niềm tự hào của CBNV, và mỗi nhân viên trở thành sứ giả cho việc quảng bá hình ảnh, thì doanh nghiệp không phải đầu tư quá nhiều ngân sách cho việc truyền thông, và hình ảnh thương hiệu sẽ bền vững hơn trong tâm trí khách hàng. Hiện nay, do xu hướng phát triển tất yếu, doanh nghiệp xây dựng phòng truyền thông đang diễn ra rất nhiều. Theo ông, để phòng này đạt hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp phải như thế nào, nhất là trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông? Khi qui mô doanh nghiệp đủ lớn, thì doanh nghiệp nên có một phòng truyền thông. Vai trò của phòng này trước nhất, phải kết nối các bộ phận bên trong của doanh nghiệp lại với nhau bằng các phương tiện truyền thông để thông tin nội bộ được thông suốt, chính xác, đến đúng đối tượng, đúng thời gian... Tiếp theo, phòng này phải đại diện cho các phòng ban khác, bộ phận khác trong doanh nghiệp để kết nối với bên ngoài: báo chí, khách hàng, cộng đồng... Để phòng truyền thông hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp nên xây dựng mô hình quản lý theo chiều ngang, nhân viên trong phòng này phải được đào tạo bài bản về nghiệp vụ truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài. Nhiều ý kiến doanh nghiệp chia sẻ, việc chọn Công ty Tư vấn trong giai đoạn hiện nay chi phí rất lớn, thậm chí ngoài khả năng của nhiều doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này? Nếu chọn đúng nhà tư vấn, và phối hợp tốt với nhà tư vấn thì kết quả tạo ra lớn gấp nhiều lần (có khi cả 100 lần) phí trả cho nhà tư vấn. Đây không phải là chi phí mà là đầu tư hiệu quả. Có nhiều hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà tư vấn, và doanh nghiệp chọn hình thức hợp tác nào phù hợp nhất với thực tại của doanh nghiệp mình. Một cái bánh lớn được chia ra cho nhà tư vấn một phần, phần lớn còn lại của doanh nghiệp mình lớn hơn một cái bánh nhỏ nếu doanh nghiệp tự làm. Bên cạnh đó, có nhà tư vấn đứng sau lưng, doanh nghiệp sẽ an tâm hơn với những bất trắc, rủi ro trong kinh doanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gần 750 doanh nghiệp được Win-Win tư vấn miễn phí 100% trong số hơn 1.000 đơn vị Win-Win đã tư vấn gần 05 năm qua, con số này nói lên điều gì, thưa ông? Con số này nêu bật lên 2 dấu hiệu chính: Thứ nhất là xu hướng phát triển của dịch vụ tư vấn. Sự thành công của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của việc đưa ra quyết định. Để đưa ra những quyết định đúng, doanh nghiệp phải có thông tin chính xác và tin cậy. Việc thu thập thông tin về sản phẩm, khách hàng, quảng cáo, bán hàng, tiến trình tạo giá trị của doanh nghiệp... là một công việc khá đặc thù, nó đòi hỏi tính khoa học và chặt chẽ trong quy trình thực hiện. Để làm được điều này cần có sự tham gia/trợ giúp của những người có chuyên môn sâu. Ở các nước đã phát triển, các dịch vụ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nội bộ doanh nghiệp được các công ty xem trọng và đặt hàng, kể cả những tập đoàn lớn dù họ đã có bộ phận nghiên cứu nội bộ. Như vậy, dịch vụ tư vấn phát triển để đáp ứng nhu cầu thật sự của doanh nghiệp. Điều này được chứng minh ở các nước phát triển từ thập niên 70, và dịch vụ tư vấn ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng theo qui luật này. Thứ hai, một mặt nào đó, phản ánh sự thành công trong chiến lược phát triển của Win-Win. Chính sách đưa toàn bộ chi phí marketing vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, tạo ra kết quả tốt nhất cho khách hàng để chính khách hàng truyền miệng lẫn nhau thật sự hiệu quả. Trải qua gần 5 năm hoạt động, chúng tôi có thể kết luận: thành công của một công ty tư vấn không chỉ gắn liền với chất lượng của từng hoạt động tư vấn mà còn phải thể hiện yếu tố nhân văn trong chất lượng đó. |