Những tuyên bố hay nhất về bất động sản Việt Nam
“Không nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam', “buôn gì
lãi bằng bất động sản”, rồi cuối cùng là “hãy để bất động sản chết, rơi
tự do”… là những phát biểu thể hiện một chuỗi đời sống ngắn của bất động
sản tại Việt Nam trong thời gian qua.
Không nước nào kinh doanh BĐS dễ như ở Việt Nam
Mới đây, phát biểu tại buổi giám sát của
đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về tình hình thực hiện Luật kinh doanh
bất động sản và Luật nhà ở trên địa bàn thành phố,TS Trần Du Lịch phân
tích, điều kiện kinh doanh địa ốc ở Việt Nam quá dễ và đang có 4-5 nghìn
công ty cùng hoạt động trên thị trường này.
"Điều kiện kinh doanh quá dễ dãi nên mới có chuyện nhà nhà kinh doanh.
Có lẽ trên thế giới không có nước nào kinh doanh bất động sản dễ như
Việt Nam", TS Trần Du Lịch nói.
Theo ông Lịch, đây là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Bí quyết kinh
doanh bất động sản gói gọn trong 2 điều, thứ nhất là chọn địa điểm đúng
và thứ hai là biết sử dụng đồng tiền của người khác để đầu tư.
"Yếu tố thứ hai được ràng buộc bởi sự
quản lý của Nhà nước có chặt chẽ về năng lực tài chính hay không. Nếu
không, người ta sẽ tận dụng điều này để gây thiệt hại cho khách hàng là
đối tượng yếu thế", ông Lịch phân tích.
Có lẽ cũng chính vì sự “dễ dãi” để rồi có một thời nhiều người đã phải thốt lên “Buôn gì lãi bằng bất động sản”.
Tính ở thời điểm năm 2011, với đà tăng
đến chóng mặt, BĐS đã đem lại nguồn lợi khó tưởng tượng cho giới đầu cơ
và các chủ đầu tư nhạy bén.
Chỉ trong vòng vài ba tháng, các chung
cư loại trung bình ở nhiều khu vực như Hà Đông, Trung Văn - Cầu Giấy… đã
được rao bán trên thị trường với mức giá chênh với giá gốc từ 40 - 60%
(so với giá gốc khoảng 12 - 13 triệu đồng/m2).
Với loại căn hộ chung cư có mức giá từ khoảng trên 1.000 USD/m2 tỷ lệ chênh ở mức thấp hơn.
Còn với đất nền thì mức giá do giới đầu cơ đẩy lên quả thật ngoài sức
tưởng tượng. Sang tay một mảnh đất ở Nam An Khánh, chưa đầy tuần sau
người bán đã phải tiếc nuối vì mất đi vài trăm triệu đồng. Giá bất động
sản được "thổi" bằng nhiều chiêu thức, trong đó quan trọng là tạo ra sự
khan hiếm nguồn cung giả tạo như chia đợt, ra hàng nhỏ giọt.
50 năm đi làm không mua nổi nhà
Với mức lợi nhuận "không buôn gì cho
lại", bất động sản lại trở thành một kênh đầu cơ (chứ không phải đầu tư)
hấp dẫn. Chính điều này đã khiến cho hàng trăm người đến xếp hàng để
mua chung cư tại Dương Nội của Nam Cường làm chủ đầu tư.
Tuy lợi nhuận cao như vậy, nhưng không
nhiều người muốn bỏ vốn. Cảnh nhốn nháo xếp hàng để bốc thăm mua nhà
được nhiều người biết đến và trở thành câu chuyện rôm rả quanh bàn… cà
phê, nhưng việc có những người được mua nhưng lại ngại ngần thì ít được
biết đến.
Tranh thủ cơ hội thị trường ấm hơn, nhiều chủ đầu tư đã nâng giá gốc lên mức khó chấp nhận.
Chính vì giá nhà quá cao, tình trạng lướt sóng, đầu cơ khiến chị Nguyễn
Minh Diễm, công chức quận Hà Đông, Hà Nội nói: "Với mức giá như hiện nay
thì 20 năm nữa gia đình mới đủ tiền mua nhà".
Thế nhưng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn
Trần Nam thì tin tưởng và khuyên người "thu nhập thấp" cứ mạnh dạn mà
vay tiền mua nhà. Bởi theo ông mức 9 triệu là dành cho người thu nhập
thấp. Và với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng có thể yên tâm vay tiền gói
30.000 tỉ để mua nhà.
"Theo tính toán thì hàng tháng trả gốc và lãi là 6 triệu/tháng là có thể được", TS Nam nói.
Còn Bầu Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức thì kêu gọi
người dân: "Đừng chờ nữa, ai có nhu cầu về chỗ ở mà đủ năng lực tài
chính hãy mua nhà vì không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ". Một thời
gian sau ông Đức tuyên bố từ bỏ bất động sản Việt Nam vì càng làm càng
chết.
Trong khi đó, T.S Lê Đăng Doanh cho
rằng, tới thời điểm này bất động sản vẫn chưa đến đáy. Cách thức để nhà
đất về giá trị thực, theo TS. Alan Phan là "hãy để chúng chết đi".
Theo baoDatviet