Thị
trường bất động sản vẫn tiếp tục đà lao dốc không phanh khiến cho nhiều
doanh nghiệp địa ốc lao đao và kết cục tất yếu đã đến khi nhiều chủ đầu
tư đang tháo chạy khỏi các dự án dù đã bỏ vào đó hàng chục, hàng trăm
tỷ đồng.
Cuộc "rút chạy" khỏi các dự án bất động sản đang diễn ra theo
nhiều cách, phổ biến và ào ạt nhất hiện nay là rao bán, chuyển nhượng dự
án như tòa nhà CT5 Việt Hưng, VP6 Linh Đàm, dự án Sky Park Residence ở
Hà Nội hay dự án chung cư Bàu Sen, dự án nhà của Savimex ở quận 7 TP Hồ
Chí Minh… hoặc xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã
hội. Tại TP Hồ Chí Minh đã có 24 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương
mại sang nhà ở xã hội. Còn tại Hà Nội cũng có 21 dự án chủ đầu tư đăng
ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Nhưng muốn bán hay chuyển đổi cũng đâu phải chuyện dễ dàng, bởi quy luật
thị trường vừa cởi mở nhưng cũng đầy khắc nghiệt với các chủ đầu tư do
xuất phát điểm của họ không theo đúng quy luật này. Vài năm trước, đầu
tư vào bất động sản được cho là "ngon ăn", một vốn bốn chục lời, dễ kiếm
tiền đến mức mà cả những công chức nhà nước cũng ào ạt nhảy vào "lướt
sóng" hòng kiếm chác. Và đương nhiên các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ
cơ hội vàng này. Hàng chục, hàng trăm dự án được vẽ lên. Nhưng thật
không may là chỉ trong một thời gian ngắn, bất động sản đột ngột đảo
chiều, rớt giá, ế ẩm đến thảm hại khiến cho không biết bao nhiêu người
lao đao, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực dẫn đến
không ít dự án phải dở dang hoặc tự gạch tên khỏi danh mục đã được
duyệt, nhiều dự án không có tiền nên "án binh bất động" khiến cơ quan
quản lý phải thu hồi.
Cái kiểu làm theo phong trào, có chút "chộp giật", "ăn xổi" đã khiến
những chủ đầu tư "cơ hội" cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn từng xảy ra
với người nông dân là "trồng-chặt". Bản chất là một dạng làm kinh tế
theo phong trào, khi lời cao thì đua nhau giành giật chẳng theo tổ chức,
quy hoạch nào cả, đến lúc cung vượt cầu thì lại hùa nhau tháo chạy.
Hơn thế, không thể không nghi ngờ về "mục tiêu" của các doanh nghiệp khi
xin chuyển đổi dự án ngay sau khi có gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vì nó
như một cái "cọc" có thể cứu doanh nghiệp khỏi dòng nước xoáy. Nhưng đó
là sự "cực chẳng đã", vì những ưu đãi từ gói hỗ trợ chứ chắc chắn bình
thường thì chủ đầu tư chẳng hà cớ gì mà hứng thú với các dự án công ích.
Bằng chứng là vào thời kỳ hưng thịnh của bất động sản, có tìm mỏi mắt
cũng chẳng thấy doanh nghiệp nào đầu tư vào nhà ở xã hội.
Nông dân trồng và chặt cây, doanh nghiệp nháo nhào chuyển nhượng dự án
bất động sản về cơ bản do cách làm ăn không dựa trên những điều kiện
khách quan về lợi nhuận, rủi ro cũng như nhu cầu thực sự của thị trường,
khi người ta cứ thấy lời thì nhảy vào, thấy thua thì rút ra để mặc xã
hội phải giải quyết những hậu quả không nhỏ.
Tình trạng này lỗi chính vẫn là doanh nghiệp, nhưng cũng không thể không
có trách nhiệm của quản lý, quy hoạch. Bất động sản một thời phát triển
nóng, nhưng thiếu hẳn sự tổ chức, quản lý bài bản. Mạnh ai nấy làm.
Thậm chí không mạnh cũng có thể làm dự án nên mới dẫn đến việc mới gặp
chút khó khăn là thiếu vốn, là mất khả năng triển khai dự án. Và dĩ
nhiên chẳng ở đâu, chẳng lĩnh vực nào mà cứ để mặc mạnh ai nấy làm mà
bền vững được. Sự ăn xổi của một số người tất yếu dẫn đến sự thiệt thòi
của số đông, và tác động tiêu cực không thể đong đếm với nền kinh tế.
Bài học này nếu không được đúc rút, chúng ta sẽ còn phải chứng kiến thêm
những bi kịch trên thị trường bất động sản.
Theo Hanoimoi
|