Có rất nhiều bệnh
nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường bị “bỏ sót” không được chẩn
đoán và hàng nhiều tài liệu truyền thông có nội dung sai được “nhân bản”
trên toàn quốc.
Ngân sách nhà nước đã phải chi một
khoản rất lớn để sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường vì sức khỏe
nhân dân. Nhưng số tiền hàng chục tỷ đồng có nguy cơ bị lãng phí khi
hàng vạn người bị bỏ quên, trong khi đó nhiều tỷ đồng khác dành cho việc
tuyên truyền tới nhân dân lại gây hậu quả nghiêm trọng với những sai
sót khác về chuyên môn và ý thức chính trị. Vì sao lại xảy ra chuyện
này? Có lẽ chỉ lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết TƯ mới trả lời được hết. Đái tháo đường là một dịch bệnh có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và sự phát triển kinh tế xã hội. Bệnh đái tháo đường thường phát triển âm thầm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, mù lòa, biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, đột quỵ,... Phát hiện sớm người bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường để điều trị, phòng bệnh sẽ làm chậm xuất hiện, ngăn chặn biến chứng, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến (TT ĐT&CĐT), tỷ lệ đái tháo đường ở đối tượng bình thường tuổi từ 45 đến 69 là 7,8%, tỷ lệ tiền đái tháo đường ở đối tượng này là 38,9% (điều tra 2008 – Báo cáo của TT ĐT&CĐT). Báo cáo của 42 tỉnh/thành phố trong tổng số 63 tỉnh/thành phố triển khai hoạt động sàng lọc năm 2012, trong số 162.831 đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường được tiến hành sàng lọc, chỉ phát hiện được 5,8% người bị bệnh đái tháo đường, 14,9% người bị tiền đái tháo đường (Báo cáo của TT ĐT&CĐT). Như vậy, nếu đem số người bệnh được phát hiện trong chương trình sàng lọc so với tỷ lệ mắc bệnh chung thì chỉ tính riêng năm 2012, chương trình sàng lọc đã “bỏ sót” ít nhất hơn 3.000 bệnh nhân đái tháo đường và gần 50.000 người tiền đái tháo đường không được chẩn đoán. Con số bệnh nhân bị “bỏ sót” không được chẩn đoán kịp thời còn lớn hơn rất nhiều nếu biết từ 2009 – 2012 TT ĐT&CĐT đã triển khai sàng lọc gần 700.000 người có nguy cơ cao với tỷ lệ bệnh phát hiện liên tục thấp nhưng không hề có có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Do TT ĐT&CĐT đã hướng dẫn sai, hay thiếu kiểm tra, giám sát, hay còn những nguyên nhân nào khác,... chương trình sàng lọc bệnh đái tháo đường đã bỏ sót hàng vạn người bệnh? Sai sót trong chuyên môn của TT ĐT&CĐT không chỉ gây lãng phí hàng chục tỷ đồng của nhà nước đầu tư cho hoạt động này mà quan trọng hơn đó là chương trình đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe những người bệnh bị “bỏ sót” không được chẩn đoán vì những người bệnh này đã yên tâm mình không bị bệnh, sinh hoạt ăn uống thoải mái hơn và sẽ đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Cũng liên quan đến tài liệu truyền thông về bệnh đái tháo đường, TT ĐT&CĐT còn sử dụng hình ảnh người TQ để in lên tranh tuyên truyền cho nhân dân nhìn rất phản cảm, khó chấp nhận. Hoạt động truyền thông trong đó có thiết kế, in ấn tài liệu hằng năm với số tiền không hề ít, trong vài năm gần đây số tiền tới hàng tỷ đồng. Tuy vậy, không hiểu lý do gì tài liệu truyền thông các tỉnh nhận được từ dự án Đái tháo đường do trung ương cấp rất sơ sài, nhiều tỉnh không nhận được tài liệu truyền thông gì về hoạt động này. Tại biên bản làm việc với đơn vị thực hiện Dự án Phòng chống Đái tháo đường trên địa bàn Ninh Bình, ThS Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ninh Bình thừa nhận: “Tài liệu truyền thông rất nghèo nàn. Năm 2102 đơn vị chỉ nhận được 32 quyển phiếu đánh giá, 16 quyển tư vấn dinh dưỡng từ trung ương”. Hàng loạt các đơn vị thực hiện dự án ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… cũng có tình trạng trên. Dù để xảy ra hàng loạt sai sót, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả lãng phí nghiêm trọng như trên, nhưng Bệnh viện Nội tiết TƯ lại thường xuyên xin điều chỉnh kinh phí hoạt động theo hướng tăng và lại được Bộ Y tế chấp thuận nhanh chóng. Cụ thể, ngày 24/12/2012, TS.BS Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ có công văn số 745/BVNTTW xin điều chỉnh kinh phí. Công văn này gửi đi trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo cắt giảm nhiều kinh phí mua sắm không cần thiết, thực hành tiết kiệm chống lãng phí do khó khăn về tình hình kinh tế và thu ngân sách. Chính Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) trong trả lời công văn trên của Bệnh viện Nội tiết đã nêu rõ: Bệnh viện Nội tiết đề nghị được điều chỉnh kinh phí mua trang thiết bị cho địa phương tăng thêm 800 triệu đồng, tổng cộng là 1600 triệu đồng. Đề nghị Giám đốc Bệnh viện xem xét, nghiên cứu lại sự cần thiết của hoạt động mua sắm tài sản, máy móc. Không hiểu vì sao, đề nghị không hợp lý, có nguy cơ tiếp tục tạo điều kiện để làm sai của Bệnh viện Nội tiết lại được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phê duyệt vào ngày 1/3/2013 (Tại công văn số 691/QĐ-BYT). Đã TT đến lúc Bộ Y tế cần “tuýt còi” Dự án quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường. Cần nhanh chóng chấn chỉnh các sai phạm của ĐT&CĐT trong hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường ở cấp quốc gia để đồng tiền của nhà nước không bị lãng phí, người dân được chữa bệnh và phòng bệnh hiệu quả. |
Tin tức > Truyền thông >