Tin tức‎ > ‎

Xúc tiến thương mại, đầu tư

Khuyến khích hoạt động xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng

đăng 23:36 11 thg 2, 2014 bởi Linh Pham

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, khuyến khích các hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính liên ngành, liên vùng; hạn chế thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đơn lẻ nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.



Quyết định cũng nêu rõ, các hoạt động xúc tiến đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí và tiến độ triển khai.
Theo Quyết định, hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm 8 nội dung:

1- Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
2- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư;
3-Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
4- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
5- Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.
6- Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
7- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
8- Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mục tiêu, định hướng phát triển của ngành, địa phương để xây dựng hoặc đề xuất chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm; bao gồm: Các hoạt động đề xuất đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; chương trình xúc tiến đầu tư của bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoạt động xúc tiến đầu tư của Ban quản lý được tập hợp trong chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); các hoạt động xúc tiến đầu tư đề xuất đưa vào chương trình của các đoàn cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư

Quyết định nêu rõ, trong phạm vi quản lý của mình, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư. Nội dung hỗ trợ bao gồm: Cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế-xã hội; tình hình đầu tư; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành và vùng lãnh thổ; pháp luật, cơ chế, chính sách; tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư khi có yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư; hướng dẫn thủ tục đầu tư; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án đầu tư.

Trong trường hợp cần thiết, đối với các dự án đầu tư quy mô lớn, có nội dung phức tạp, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phối hợp thành lập tổ công tác để hỗ trợ trong quá trình: xúc tiến đầu tư (nghiên cứu, thành lập hồ sơ, triển khai các thủ tục), cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư.

Khuyến khích việc hợp tác trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, gồm: Hợp tác và phối hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch; hợp tác giữa các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý; hợp tác giữa các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ban quản lý với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư; hợp tác quốc tế về xúc tiến đầu tư.

 

Xúc tiến thương mại và đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

đăng 23:33 11 thg 2, 2014 bởi Linh Pham

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2014 của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 22-1, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, cho biết: Năm 2014, ITPC dự kiến sẽ tổ chức 76 sự kiện nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư, mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Lào, Campuchia và Myanmar.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã đánh giá cao vai trò của ITPC trong việc thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư UBND TP giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Năm 2014, sự chuyển dịch của các nền kinh tế diễn ra rất mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới.

Do vậy, Phó Chủ tịch yêu cầu ITPC tiếp tục xây dựng thương hiệu và uy tín, ITPC phải là một cơ quan chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, là nơi hội tụ của các DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu. Để làm được việc này, ITPC phải rà soát lại các nhiệm vụ, chức năng mà TP giao để triển khai thực hiện, xem lại vì sao đằng sau ITPC có UBND TP nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo DN tham gia vào các hoạt động của mình.

Các hoạt động của ITPC trong năm 2014 phải có sự chọn lọc, đi vào trọng tâm, trọng điểm để nâng cao chất lượng, sau mỗi hoạt động cần có sơ kết đánh giá kết quả, từ đó rút kinh nghiệm cho lần sau. ITPC cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các sở, ngành tại TPHCM để tránh sự chồng chéo trong quá trình hoạt động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác xúc tiến.

HẢI HÀ

 

Mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Belarus

đăng 19:01 11 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

Ngày 11/9, tại Thư viện Quốc gia Belarus đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Belarus. Đây là một trong nhiều hoạt động của các đoàn công tác của Việt Nam đang diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư với Belarus.

Sau chuyến thăm chính thức Belarus của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 5 vừa qua, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam cũng như của Belarus đã triển khai rất nhiều hoạt động để hiện thực hoá những thoả thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hai bên đã tổ nhiều cuộc làm việc, thảo luận và trao đổi đoàn, thăm viếng lẫn nhau và đỉnh cao là Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Belarus được tổ chức tại thủ đô Minsk, với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp Belarus và hơn 60 doanh nghiệp của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng cùng với hoạt động tích cực của cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp hai nước và việc đang đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan (gồm Nga, Kazakhstan và Belarus) đang tạo ra những tiền đề thuận lợi để mở rộng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Belarus.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá: “Hai bên đã bàn rất nhiều những biện pháp, những phương thức để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư, bằng những chương trình hết sức cụ thể, những biện pháp hết sức chi tiết. Tôi cho rằng, đây sẽ là những tiền đề thuận lợi để mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới”.

Về phía mình, Bộ trưởng Bộ Công thương Belarus Dmitri Katerinitch đánh giá Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Belarus, thời gian qua Belarus đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại Việt Nam để mở rộng hợp tác, nâng kim ngạch thương mại song phương lên gấp 3-4 lần so với hiện nay. Đồng thời, Belarus đang hướng tới mục tiêu thông qua Việt Nam để vươn ra thị trường ASEAN.

Ông Dmitri  Katerinitch cho biết: “Việt Nam đóng vai trò hàng đầu trong ASEAN. Hiện nay chúng tôi đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước Liên minh Hải quan và trong tương lai chúng tôi hy vọng thông qua Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tự do giữa các nước Liên minh Hải quan với các nước ASEAN. Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng, mục tiêu chính của chúng tôi là muốn thông qua Việt Nam để tiến vào một thị trường rộng lớn hơn – thị trường ASEAN”.

Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Belarus, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đánh giá Belarus là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam, hai nước có quan hệ chính trị hữu nghị, truyền thống tốt đẹp, có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác.

Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Belarus, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đã được tổ chức, gần 300 nhà doanh nghiệp hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc để tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư, góp phần hiện thực hoá mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 500 triệu USD vào năm 2015./.

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam

đăng 23:59 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

(TBKTSG Online) - Ngày 9-9, bên cạnh việc ký kết hợp tác đầu tư vào 4 dự án ở Việt Nam của các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), chính quyền tỉnh này còn khuyến khích doanh nghiệp đóng trên địa bàn của mình đẩy mạnh đầu tư nhà xưởng sản xuất ở Việt Nam.

Tại hội thảo giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Sơn Đông diễn ra tại TPHCM trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn đại biểu tỉnh Sơn Đông do Phó tỉnh trưởng Hạ Canh dẫn đầu, các doanh nghiệp của hai nước đã ký kết hợp đồng hợp tác trong một số lĩnh vực như đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, xây dựng nhà máy điện tại Việt Nam và xuất khẩu nông sản... với tổng vốn cam kết là 110 triệu đô la Mỹ.

Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng các nhà máy điện đốt than 2x50MW ở thành phố Thái Nguyên của Tập đoàn DR-AZ Group.

Tại hội thảo, ông Hạ Canh đã đề xuất một số lĩnh vực cần tăng cường hợp tác song phương như đầu tư, bao thầu công trình, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...

Theo Phó tỉnh trưởng Hạ Canh, Sơn Đông có đầy đủ các ngành công nghiệp như sắt thép, xe hơi, chế tạo thuyền, công nghiệp nhẹ, dệt may, kim loại màu, chế tạo trang thiết bị, điện tử - viễn thông và đều là thế mạnh của tỉnh. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn tài nguyên than, dầu, sắt thép, cao su thiên nhiên phong phú, thích hợp cho việc chế tạo. Với ưu thế của hai bên, ông đưa ra kiến nghị cần tăng cường hợp tác về ngành công nghiệp chế tạo.

Theo ông Canh, đã có một số doanh nghiệp của Sơn Đông đầu tư vào Việt Nam như Công ty Sailun Thanh Đảo đã đầu tư 200 triệu đô la Mỹ thành lập vườn công nghiệp sản xuất lốp cao su và xưởng sản xuất vải - dệt; hay Công ty Băng Luân Yên Đài đã đầu tư 10 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị đông lạnh ở Việt Nam.

Ông Canh cũng kiến nghị hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông, Sơn Đông là một tỉnh nông nghiệp lớn của Trung Quốc, sản lượng lương thực, bông, trái cây, rau xanh, thịt gia súc… luôn đứng đầu Trung Quốc. Do đó, cơ hội hợp tác nông nghiệp của Việt Nam với Sơn Đông là rất lớn. Theo ông, tới đây doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hợp tác về kỹ thuật sinh học, cấy ghép, chọn giống,… để nâng cao kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Cũng theo ông Canh, xây dựng cơ sở hạ tầng có tiềm lực rất lớn trong lĩnh vực hợp tác kinh tế của hai bên. Với thế mạnh có các doanh nghiệp thầu công trình ở nước ngoài lớn, ông kiến nghị hai bên cần tăng cường hợp tác lĩnh vực thầu công trình.

Ông cũng kiến nghị cần mở rộng quy mô thương mại của hai bên, đặc biệt Sơn Đông là một tỉnh có mức tiêu thụ lớn với giá trị tiêu thụ của các mặt hàng bán lẻ là 310 tỉ đô la Mỹ trong năm 2012.

Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng hợp tác với  Sơn Đông nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Thứ trưởng đề nghị chính quyền Sơn Đông khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có uy tín tăng cường đầu tư, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức tại Sơn Đông.

Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ và năng động, tính ổn định và độ an toàn cao và ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới, hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Khai trương Trung tâm Hợp tác Công nghệ Sáng tạo Việt - Hàn

đăng 23:58 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) đã tổ chức khai trương Trung tâm Hợp tác Công nghệ Sáng tạo Việt Nam-Hàn Quốc (Vietnam Korea Win-Win Innotech Plaza) tại Hà Nội ngày 8/9. 


Việc thành lập Trung tâm Hợp tác Công nghệ Sáng tạo Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đi tiên phong tạo ra một mô hình hợp tác mới mang tính “phát triển bền vững”, đóng góp vào sự phát triển chung của hai đất nước. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lee Kyuseon, Tổng Giám đốc của KOTRA Hà Nội bày tỏ tin tưởng: “Trung tâm Hợp tác Công nghệ Sáng tạo Việt Nam-Hàn Quốc sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một đối tác quan trọng và là thị trường tiềm năng của Hàn Quốc”.

Trung tâm Hợp tác Công nghệ Sáng tạo Việt Nam-Hàn Quốc được đặt tại tòa nhà Charmvit - Grand Plaza, gồm 7 phòng làm việc chức năng sẽ tập trung vào việc đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực để lập nghiệp, định hướng phát triển kinh doanh và hỗ trợ tìm việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc cho sinh viên và thanh niên hai nước.

Với mục đích tìm kiếm và phát triển các tài năng trong tương lai, Trung tâm sẽ xúc tiến chương trình thực tập sinh trong thời gian 6 tháng để lựa chọn ra 30 sinh viên có mục tiêu phấn đấu trở thành các doanh nhân. 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ kết hợp các mô hình hợp tác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với các chính sách của chính phủ Việt Nam, nhằm tìm ra các mô hình “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” CSR và “Tạo lập giá trị chung” CSV cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và đem lại lợi ích chung cho cả cộng đồng lẫn doanh nghiệp.

Nhân dịp này, một hội chợ việc làm cũng được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về các loại hình, vị trí công việc mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang có nhu cầu, nhằm giúp các sinh viên có thêm cơ hội lựa chọn sau khi tốt nghiệp, đồng thời sớm trang bị thêm những kiến thức cần thiết để nhận được những việc làm phù hợp.

Doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác

Cùng ngày, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), tổ chức cuộc Đối thoại cấp cao giữa các cơ quan Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác kinh tế.

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch KCCI Park Yongman cùng các đại biểu và hàng trăm doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước. Hoạt động này được tổ chức nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.      

Phát biểu tại đối thoại, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là cơ hội để đại diện Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước có những trao đổi mang tính xây dựng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời gian tới.

Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Hàn Quốc có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam.      

Chủ tịch KCCI Park Yongman khẳng định sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư hơn nữa tại Việt Nam trên các lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, đóng tàu, chế tạo ôtô…

Bộ trưởng Công thương và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick khẳng định tiềm năng hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc còn rất lớn, bằng chứng là thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp 42 lần, từ 0,5 tỷ USD lên 21,1 tỷ USD trong 10 năm qua (1992-2012).       

Quảng Ninh: Ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư vào KKT, KCN

đăng 23:56 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành quy định về chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các chủ đầu tư KCN sẽ được hưởng tỉ lệ tiền thuê đất ở mức thấp nhất là 0,75% nhân với giá đất được UBND tỉnh công bố hàng năm và được ổn định trong 5 năm.



Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN có diện tích từ 100 ha trở lên được xét ưu tiên đầu tư kinh doanh khu đô thị hoặc khu dân cư dịch vụ hạ tầng xã hội ngoài hàng rào đi kèm KCN, có diện tích tương ứng từ 30-50% diện tích KCN. Ưu đãi này chỉ được thực hiện với điều kiện nhà đầu tư phải đáp ứng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng bằng hình hình thức ứng trước 30% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhưng chủ đầu tư chỉ được ứng khoản hỗ trợ này khi đã thực hiện chi trả đạt ít nhất 50% giá trị theo phương án chi trả được duyệt.

Với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng và các chi phí liên quan trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc gia và quốc tế. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/lần/năm/doanh nghiệp. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng hỗ trợ 50% chi phí đi lại cho một chủ doanh nghiệp tham gia chương tình xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh.

Các dự án đầu tư mới hoặc dự án mở rộng sản xuất trong KCN cũng được Quảng Ninh hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động trong và ngoài tỉnh làm việc ở KCN trong thời gian 2 năm đầu.

Việt Nam - Singapore: Nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác mới

đăng 23:53 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

 (Chinhphu.vn) – Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ ngày 11-13/9 tới đây sẽ là một dấu mốc mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam – Singapore.

Việt Nam và Singapore là hai nước có quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp. Hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và tháng 9/1992, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội được thành lập.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.

Năm 2004, hai nước đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Singapore (9/2011), hai bên nhất trí về nguyên tắc đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Singapore (9/2012), hai bên ra Thông cáo chung khẳng định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược trong năm 2013.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ.

Về thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2012 đạt 9,6 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam nhập từ Singapore gồm xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, sản phẩm điện tử, máy móc, hóa chất. Việt Nam xuất sang Singapore chủ yếu là hải sản, cà phê, dầu thô, đá quý, đồ điện tử.

Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết năm 2011, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 990 dự án (tổng vốn 24 tỷ USD); tính đến 7/2013, Singapore đã có gần 1.200 dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 28 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nước/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Các dự án đầu tư của Singapore được đánh giá có hiệu quả, đóng góp đáng kể cho kinh tế của Việt Nam. Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 4 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013). Singapore dự định sẽ mở thêm một số VSIP mới tại Tp Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Bình.

Tháng 3/2004, Thủ tướng Goh Chok Tong và Thủ tướng Phan Văn Khải nhất trí về sáng kiến kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore. Đây là chương trình hợp tác toàn diện ở mức độ cao và phạm vi rộng, nhằm gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng… của Việt Nam với Singapore, tạo ra sự bổ trợ, kết hợp giữa hai nền kinh tế, tạo môi trường chính sách thuận lợi và định hướng cho doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba.

Tháng 12/2004, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhất trí 6 lĩnh vực kết nối, bao gồm: Tài chính; đầu tư; thương mại - dịch vụ; giao thông vận tải; bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin; giáo dục đào tạo.

Ngày 6/12/2005 tại Singapore, Bộ trưởng Công Thương Singapore Lim Hng Kiang và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam – Singapore và 6 phụ lục kết nối. Theo thoả thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phương hướng hợp tác tiếp theo.

Bên cạnh đó, hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, an ninh quốc phòng, tư pháp Việt Nam – Singapore cũng hết sức chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Hiện, Việt Nam và Singapore đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định Hàng hải thương mại (4/1992); Hiệp định Vận chuyển Hàng không (4/1992); Hiệp định Thương mại (9/1992); Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (10/1992); Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường (5/1993); Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (3/1994); Hiệp định Hợp tác về du lịch (8/1994); Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Singapore trong thế kỷ 21 (3/2004); Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam – Singapore (12/2005); Bản Ghi nhớ về Hợp tác, Xúc tiến đầu tư (10/2003); Bản Ghi nhớ về Hợp tác giáo dục và đào tạo (4/2007); Bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật (3/2008); Bản Ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng (9/2009); Bản Ghi nhớ về thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam – Singapore tại Hà Nội (VSTC, tháng 11/2001); Bản Ghi nhớ về hợp tác tài chính (9/2012); Nghị định thư sửa đổi lần thứ hai về Hiệp định Tránh đánh thuế song trùng (9/2012); Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Singapore giai đoạn 2011-2013 (11/2010)...

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long  từ ngày 11-13/9 tới đây sẽ là một dấu mốc mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam - Singapore.

Nguyễn Hoàng

Thái thông qua quỹ hỗ trợ xuất khẩu DN vừa và nhỏ

đăng 23:52 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

Bộ Thương mại Thái Lan vừa thông qua một khoản ngân sách 67,5 triệu baht (hơn 2,1 triệu USD) nằm trong dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp hơn 500 doanh nghiệp loại này đối phó với những khó khăn trong xuất khẩu năm 2013.

Khoản ngân sách này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia 81 hội chợ thương mại và cùng phối hợp với các phái bộ thương mại ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Dự kiến sẽ có thêm từ 100-400 doanh nghiệp kiểu này được nhận trợ giúp từ Bộ Thương mại từ nay cho tới cuối năm.

Theo dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Thái Lan sẽ dành 300 triệu baht để giúp họ phát triển. Dự kiến mỗi năm họ sẽ được nhận khoảng 100 triệu baht.

Vụ Xúc tiến thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan ước tính sẽ có khoảng 33.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này cần tới sự hỗ trợ của chính phủ.

Vụ Xúc tiến thương mại quốc tế hiện đang xem xét mở rộng dự án tới các địa phương để có thể giúp đỡ thêm nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nộp đơn lên Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, Phòng Thương mại Thái Lan, các chi nhánh của Hội đồng vận tải quốc gia và sau đó sẽ được xem xét hỗ trợ.

Các sản phẩm xuất khẩu được hỗ trợ theo chương trình gồm đá quý, đồ trang sức, thực phẩm, sản phẩm an toàn, đồ chơi, thiết bị nông nghiệp, quà tặng, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng gia đình, thảo dược, đồ trang điểm, may mặc, điều hòa và thiết bị y tế.

Vụ Xúc tiến thương mại quốc tế cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập thị trường ở các nước Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Đông Á và đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Tháng trước, Chính phủ Thái Lan cũng đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này chuẩn bị tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn, nguồn thông tin, dịch vụ kiểm tra hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Nhóm này cũng được trợ giúp về mọi mặt để có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới và tham gia AEC thông qua sự liên kết và các mối quan hệ liên tục được củng cố giữa Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan với các đối tác nươc ngoài.

Trong sáu tháng đầu năm 2013, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thái Lan đã xuất khẩu được hơn 905,7 tỷ baht (30,2 tỷ USD), chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia và Hong Kong. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đá quý, đồ trang sức, sản phẩm nhựa, cao su và sản phẩm cao su, máy móc công nghiệp, máy tính, thiết bị và đường.

Gần đây, Thái Lan đã thành lập văn phòng liên lạc và trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn và tìm kiếm các kênh thị trường.

Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này xuất khẩu hàng hóa vào ASEAN, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Thái khi kinh doanh ở các nước láng giềng.

Gần đây, Thái Lan và Lào đã thỏa thuận tăng thương mại song phương từ 145 tỷ baht (4,84 tỷ USD) lên 250 tỷ baht (8,3 tỷ USD) vào năm 2015, năm AEC được hình thành.

Theo thỏa thuận này, Thái Lan sẽ khuyến khích các nhà đầu tư thiết lập cơ sở kinh doanh trên đất Lào để biến nước này thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang nước thứ ba./.

Hà Linh/Bangkok (Vietnam+)

Thúc đẩy kim ngạch XNK giữa Việt Nam- Nhật Bản

đăng 23:51 9 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam- Nhật Bản, nhiều chương trình nhằm thúc đẩy mối quan hệ, kim ngạch XNK giữa hai nước sẽ được triển khai.

Theo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 13,99 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 7,49 tỷ USD và nhập khẩu gần 6,50 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm hàng dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng , hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ,…

Trong khi các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam bao gồm máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,… Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cũng cho thấy, Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn của Việt Nam và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 sang thị trường Việt Nam đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2012.

Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade), trị giá buôn bán hai chiều giữa Việt Nam với thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản xấp xỉ  1%. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là đối tác xếp thứ 17 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 15 về nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này.

Khi thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, và thách thức là không nhỏ. Có thể kể đến những khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù của Nhật Bản, ở cả tiêu chuẩn công nghiệp và tiêu chuẩn nông nghiệp.

Tiếp đó, Nhật Bản có một hệ thống phân phối khá phức tạp, qua nhiều cầu, đại lý bán buôn bán lẻ...; Chi phí xúc tiến thương mại, điều tra thị trường rất cao (phí dịch vụ điều tra thị trường, tham gia hội chợ, khách sạn, đi lại, ăn uống...); Những rào cản kỹ thuật với hàng thực phẩm theo yêu cầu của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định hàm lượng nội địa...

Ngoài ra, việc thiếu thông tin cũng như kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Nhật Bản, sự cạnh tranh trực tiếp từ các nước ASEAN... cũng khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa mạnh dạn kinh doanh với thị trường này.

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn được xác định là thị trường truyền thống đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước tăng qua hàng năm, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc định hướng thị trường, xu hướng xuất khẩu và các yêu cầu để tiếp cận thị trường, cũng như giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2013 sẽ được Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 10-2013, là nhịp cầu kết nối yêu cầu này. Theo Ban tổ chức, đây là dịp quan trọng để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời chia sẻ, nắm bắt thông tin thị trường, kinh nghiệp từ các chuyên gia kinh tế.

Trong khoảng thời gian trên, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) TP.HCM tổ chức Hội chợ triển lãm “Liên Minh Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM”. Hội chợ triển lãm này được tổ chức trong nỗ lực hợp tác nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam, lần này đặc biệt chú trọng dành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản gặp gỡ trao đổi thương mại, đưa kim ngạch XNK giữa 2 nước ngày càng phát triển.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội chợ, Hội nghị đầu tư ASEAN-Trung Quốc

đăng 00:57 4 thg 9, 2013 bởi Linh Pham

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngày mai (2/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời Hà Nội sang thành phố Nam Ninh, Quảng Tây tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10 đến ngày 3/9.

 

NTD-130901.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự sự kiện này thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng và giữa ASEAN với Trung Quốc nói chung.

 

Hội chợ triển lãm ASEAN – Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc là sự kiện do Bộ Thương mại Trung Quốc và 10 nước ASEAN đồng tổ chức định kỳ hàng năm tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.

 

Đây là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc, không chỉ là điểm đến của doanh nghiệp Trung Quốc, các nước ASEAN mà cả các doanh nghiệp trong khu vực.

 

Qua 9 kỳ tổ chức, hội chợ đã trở thành cơ chế quan trọng, thúc đẩy giao lưu hữu nghị, xúc tiến thương mại và hợp tác đa lĩnh vực giữa các nước ASEAN với Trung Quốc với tổng giá trị giao dịch thương mại đạt trên 10.000 tỉ USD và hơn 50 tỉ USD hợp tác đầu tư quốc tế.

 

Hội chợ năm nay càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.

 

Với chủ đề “Phát triển hợp tác khu vực: cơ hội mới, động lực mới và giai đoạn mới”, Hội chợ triển lãm ASEAN – Trung Quốc dự kiến sẽ có khoảng 3.400 gian hàng trưng bày với 5 khu chuyên đề liên quan đến thương mại hàng hóa, hợp tác đầu tư, khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ. Nét chính của Hội chợ là khu trưng bày gian hàng quốc gia với chủ đề “Thành phố đẹp”, nhằm giới thiệu và quảng bá các thành phố tiêu biểu của các nước ASEAN và Trung Quốc, trong đó có thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam tham dự hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc lần này với quy mô 200 gian hàng và trên 100 doanh nghiệp, đứng đầu các nước ASEAN và quốc tế. 

 

Cùng với Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc, cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10. Đây là diễn đàn đối thoại cấp cao quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, thúc đẩy hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại trong khu vực, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.

 

Trong 9 kỳ tổ chức Hội chợ triển lãm ASEAN – Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc đã có hơn 40 lãnh đạo cấp cao cùng 1.300 quan chức các Bộ, ngành của các nước ASEAN và Trung Quốc tham dự.

 

Việt Nam luôn tham dự sự kiện này ở cấp Phó thủ tướng Chính phủ trở lên và năm nay là lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10 thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc, góp phần củng cố sự tin cây chính trị giữa hai nước.

 

Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sự kiện lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của Việt Nam đối với Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác kinh doanh, thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc.

 

Nhân dịp tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10, theo dự kiến chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường nhằm trao đổi về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền một số địa phương của Trung Quốc và một số tập đoàn tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư và thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10.

 

Theo VOV

1-10 of 16