(Chinhphu.vn) - Cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam dự
Hội chợ ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 - CAEXPO 2013, TP. Quy Nhơn của Bình
Định đại diện cho Việt Nam đã có mặt tại đây với một điểm nhấn đáng chú
ý mang tên “Thành phố đẹp”.
 |
Ông Nguyễn Kim Phương. Ảnh: VGP/Linh Đan |
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở
Công Thương Bình Định Nguyễn Kim Phương về hoạt động xúc tiến thương mại
của địa phương này.
Thưa ông, chọn CAEXPO 2013 để giới thiệu “Thành phố đẹp” Quy Nhơn, vậy Bình Định sẽ mang đến đây những gì?
Ông Nguyễn Kim Phương: Thành phố Quy Nhơn vinh dự được tỉnh Bình Định chọn là “Thành phố đẹp” đại diện cho Việt Nam tham dự CAEXPO lần thứ 10.
Với Quy Nhơn, việc tham dự hội chợ nhằm
quảng bá hình ảnh của Thành phố, qua đó, tìm cơ hội hợp tác kinh doanh
nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, đặc biệt là khu kinh
tế Nhơn Hội.
Tham dự Hội chợ này, chúng tôi quảng bá
các dự án kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các dự án phát
triển du lịch của Quy Nhơn với mong muốn giới thiệu tiềm năng của các
lĩnh vực trên với bạn hàng của các nước ASEAN và Trung Quốc, đồng thời
chúng tôi cũng quảng bá một số sản phẩm chủ yếu của Thành phố như hàng
thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, các sản phẩm chủ lực của Bình Định tại đây.
Vậy Bình Định chọn công tác xúc tiến thương mại thông qua CAEXPO lần này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Kim Phương:
Thông qua Hội chợ triển lãm, qua việc giới thiệu thành phố đẹp Quy Nhơn,
chúng tôi sẽ lồng vào đó tiềm năng và lợi thế của Bình Định để kêu
gọi các nhà đầu tư các nước ASEAN và Trung Quốc đầu tư vào các dự án
Bình Định đang có nhu cầu.
Bên cạnh đó, tôi được biết Hội chợ lần
này tổ chức một hội nghị bàn về sự lên kết của các cảng lớn trong các
nước ASEAN, vì vậy nhân dịp này, chúng tôi cũng sẽ giới thới tiềm năng
về cảng Quy Nhơn ở Bình Định, cảng biển lớn thứ 3 ở Việt Nam.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh cảng Quy Nhơn
không chỉ phục vụ cho riêng Bình Định mà còn phục vụ cho cả khu vực miền
Trung, Tây Nguyên. Hiện nay, Quốc lộ 19 nối Bình Định với Tây Nguyên,
từ đó nối với Nam Lào và phía Bắc Campuchia. Đây cũng là yếu tố để để
cảng Quy Nhơn tạo mối liên kết với các cảng khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Thưa ông trong xuất khẩu, đâu là thế mạnh cạnh tranh của sản phẩm Bình Định trên thị trường Trung Quốc và ASEAN?
Ông Nguyễn Kim Phương:
Bình Định lâu nay có một số mặt hàng xuất khẩu lớn, trong đó mặt hàng đồ
gỗ sử dụng trong nhà và ngoài trời là thế mạnh của tỉnh, hằng năm xuất
khẩu đạt kim ngạch trên 300 triệu USD. Ngoài ra, Bình Định có tiềm năng
khoáng sản như titan, đá grannit cũng như một số khoáng sản khác. Hiện
nay, chúng tôi đã xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Quốc titan và các
sản phẩm chế biến từ titan. Bên cạnh đó, các mặt hàng thuỷ sản (chế
biến, tươi sống, ướp đông) cũng là lợi thế của tỉnh.
Còn mặt hàng đồ gỗ, Bình Định luôn có
thế mạnh (là 1 trong 4 trung tâm lớn sản xuất đồ gỗ của Việt Nam). Với
thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường cạnh tranh rất gay
gắt, nhưng sản phẩm đồ gỗ đặc trưng của Bình Định không trùng với sản
phẩm Trung Quốc, do vậy vẫn có chỗ đứng riêng. Mặt khác, Trung Quốc là
thị trường rất lớn với trên 1 tỷ người tiêu dùng, ngoài nhu cầu thuỷ hải
sản khá lớn, họ còn có nhu cầu về hàng nông sản, do vậy, thị trường này
sẽ được chúng tôi chú trọng thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc những dự định của tỉnh sớm thành hiện thực.
Linh Đan thực hiện