Truyền thông - Nền tảng của xã hội

Truyền thông là gì?
Hiểu một cách đơn giản truyền thông (communication) là quá trình truyền đạt, chia sẽ thông tin; là một kiểu tương tác xã hội với sự tham gia của ít nhất 02 tác nhân.

Lịch sử loài người cho thấy, con người có thể sống được với nhau, giao tiếp và tương tác lẫn nhau trước hết là nhờ vào hành vi truyền thông (thông qua ngôn ngữ hoặc cử chỉ, điệu bộ, hành vi… để chuyển tải những thông điệp, biểu lộ thái độ cảm xúc). Qua quá trình truyền thông liên tục, con người sẽ có sự gắn kết với nhau, đồng thời có những thay đổi trong nhận thức và hành vi. Chính vì vậy, truyền thông được xem là cơ sở  để thiết lập các mối quan hệ giữa con người với con người, là nền tảng hình thành nên cộng đồng, xã hội. Nói cách khác, truyền thông là 1 trong những hoạt động căn bản của bất cứ 1 tổ chức xã hội nào.

Thông thường người ta thường chia truyền thông thành 3 loại:

- Truyền thông liên cá nhân (giữa người này với người khác);

- Truyền thông tập thể (truyền thông trong nội bộ 1 tổ chức);

- Truyền thông đại chúng.

Truyền thông đại chúng: Nếu truyền thông là 1 hành vi xuất hiện từ từ trước khi hình thành xã hội loài người và có thể diễn ra không có chủ đích, thì truyền thông đại chúng (mass communication) với tư cách là 1 quá trình xã hội có chủ đích – quá trình truyền đạt thông tin 1 cách rộng rãi đến mọi nguời trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng – thuật ngữ truyền thông đại chúng chỉ xuất hiện trên thế giới từ khoảng cuối thế kỷ XVI, trên cơ sở của nhiều loại tiến bộ kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là kỹ thuật in ấn. Bước sang thế kỷ XX, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình, điện thoại và tiếp đó là sự xuất hiện của máy tính điện tử cá nhân rồi đến mạng máy tính toàn cầu và mạng internet, truyền thông đại chúng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫnmức độ ảnh hưởng tới từng cá nhân riêng lẻ đến toàn xã hội. Truyền thông đại chúng không chỉ là một định chế đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin và kiến thức cho dân chúng, mà còn tác động trở lại 1 cách sâu xa và mạnh mẽ vào tất cả các định chế xã hội khác, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, gia đình…

Theo nhà xã hội học truyền thông Francis Balle, trong lịch sử các phương tiện truyền thông đại chúng, thời gian kể từ khi phát minh ra 1 kỹ thuật tới khi 1 phương tiện truyền thông mới ra đời và được thương mại hóa ngày càng được rút ngắn. Đối với báo in, phải mất mất 4 thế kỷ, kỹ thuật điện ảnh chỉ mất khoảng 60 năm, kỹ thuật truyền sóng phát thanh là hơn 20 năm, trong khi truyền hình chỉ mất hơn 10 năm. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố kỹ thuật, nhu cầu nắm bắt thông tin của con người cũng có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng đa dạng.

Năm 1946, lần đầu tiên thuật ngữ “truyền thông đại chúng” được sử dụng trong lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc về Văn hóa, Khoa học và Giáo dục.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng như báo in, phát thanh, truyền hình, internet quảng cáo, các loại băng, đĩa âm thanh, hình ảnh… đã trở thành nhu cầu “không thể thiếu” trong đời sống của đại đa số người dân trên toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Xuất bản – Báo chí thế giới (WAN-IFRA), hơn 3 tỷ người, hoặc 72% số người lớn biết chữ trên toàn thế giới đọc, theo dõi thường xuyên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bảo đảm quyền được thông tin

Được thông tin là 1 trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật bảo vệ. Truyền thông đại chúng (còn gọi là báo chí) có vai trò quan trọng và không thể thay thế trong việc đáp ứng quyền cơ bản đó và thông tin cũng được xem là chức năng cơ bản của báo chí.

Thật vậy truyền thông đại chúng ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của công chúng và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cũng dựa trên nền tảng là sự gia tăng nhu cầu thông tin trong xã hội.

Về mặt lý thuyết, mọi chức năng của báo chí, truyền thông đại chúng đều được thực hiện thông qua thông tin. Nếu không có thông tin, báo chí không thể thực hiện được chức năng giáo dục, vai trò giám sát, quản lý xã hội cũng như các chức năng văn hóa, giải trí … Từ “nhiệm vụ tự nhiên” đó, truyền thông đã góp phần quan trọng đáp ứng quyền được thông tin của công chúng. Thông qua các kênh thông tin này, các giá trị xã hội, các quy tắc, luật lệ thành văn cũng như bất thành văn của xã hội được phổ biến và nhắc đi nhắc lại cho mọi người cùng biết, thuyết phục mọi người cùng đồng tình và vận động mọi người cùng nhau tuân thủ.

Nhiều cuộc điều tra xã hội đã cho thấy, phần lớn người dân thường trả lời là mình biết tin tức và tất cả những thông tin diễn ra xung quanh nhờ theo dõi các phương tiện  truyền thông đại chúng. Nói cách khác báo chí, truyền thông chính là phương tiện hữu hiệu trong việc cung cấp, trang bị thông tin, kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức cho công chúng. Đây cũng là lý do tạo nên sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, thậm chí trỡ thành nguồn tin của báo chí.
                                                                                                             ĐTBP

Trích Hồ sơ sự kiện số 225
Comments