Cách nhìn mới về Quảng cáo và truyền thông hay nghệ thuật từ những điều đơn giản.
Ở Mỹ, nếu bạn có một công ty nhỏ, và quảng cáo dịch vụ của bạn trên Ti Vi, báo chí, cùng các cách tiếp thị khác, thì trung bình bạn phải tốn 300 đô la để có một người khách mới bước vào cửa công ty của bạn. Bước vào thôi, họ có trở lại không lại là chuyện khác. Nếu họ bước vào và không trở lại thì 300 đô la của bạn cũng coi như biến mất theo họ.
Các bạn đã làm thương mãi đều biết, quảng cáo tốn tiền kinh khủng, lại chẳng hiệu quả gì. Nhiều lãnh đạo các công ty lớn cũng công nhận là hàng năm tốn tiền quảng cáo kinh khủng. Nếu họ không phải quảng cáo thì sản phẩm của họ có thể giảm giá được một nữa hay 1/3. Nhưng quảng cáo phần lớn không lợi ích gì cho việc tạo thêm thêm khách hàng. Nó chỉ là phòng thủ. Vì đối thủ của mình quảng cáo thì mình phải quảng cáo để phòng thủ, chứ quảng cáo không mang lại khách hàng mới. Trong lúc đó, các khách hàng bạn đang có, đến với bạn thường xuyên. Một người khách thích bạn sẽ tự động khoe với 10 bạn bè thân nhân về công ty của bạn, và có lẽ là 5 trong số 10 người đó sẽ đến với công ty bạn. 5 người khách mới đó, nếu thích bạn, sẽ khoe với 50 người khác và có thể 25 người trong số đó sẽ vào thăm công ty bạn. Cứ lũy thừa 5 như thế, bạn biết là bạn sẽ có bao nhiêu khách hàng trong một thời gian rất ngắn? Mà chẳng tốn đồng xu nào cả. Các bạn thích kinh doanh đã tính ra con toán tiếp thị chưa? Cách rẻ tiền nhất và hữu hiệu nhất để tiếp thị là “word of mouth” (lời giới thiệu, lời đồn). Mỗi người khách hàng yêu bạn là một kênh truyền thông di động cho bạn, chẳng tốn một đồng xu. Chân lý giản dị này, rất tiếc là ít người nắm vững. Điều quan trọng là: Làm thế nào để khách hàng của bạn thích bạn và công ty của bạn đến nỗi vừa bước ra khỏi cửa của công ty là phải đi khoe lung tung về bạn và công ty? Cũng như làm thế nào để ai đó nói chuyện với bạn một lần là khoe bạn với người khác ngay? Công ty của bạn trang hoàng đẹp, các công ty khác cũng có thể làm như thế, và có thể đẹp hơn. Chỉ cần thuê chuyên viên trang trí giỏi là xong. Công ty của bạn có sản phẩm tốt, các công ty khác có lẽ cũng bán cùng loại sản phẩm bạn đang bán. Công ty của bạn để nhạc background phong phú, các công ty khác cũng làm được điều đó. Cái gì làm cho bạn khác với các công ty khác? Năm 1982, John Naisbitt xuất bản quyển Megatrends, tiên đoán 10 khuynh hướng (hay làn sóng lớn) của thế giới, các điều đó cho đến nay đều chính xác cả. Một trong những trend đó là sự phát triển hitech. Và vì hitech phát triển nên John Naisbitt dự đoán sẽ có nhu cầu lớn về hitouch. Hitech – hitouch. Touch là sờ, đụng, chạm, tiếp xúc. Hitech làm cho con người xa nhau—mọi liên hệ trong xã hội đều qua computer, mạng, mailbox, voice mail… Thư từ cho nhau thì cũng do computer phun ra hàng loạt. Gọi vào một hãng thì luôn luôn là nói chuyện với máy móc trước. Rất lâu và may mắn lắm với gặp người sống nói điện thoại. Cái “touch” trực tiếp giữa hai con người như ngày xưa dần dần biến mất. Vì thế người ta nhớ mong cái touch đó, vì vậy xã hội càng hitech con người càng mong muốn hitouch (hitouch = high touch). Và touch đây là personal touch, touch cá nhân, không phải touch đại trà của dây chuyền sản xuất hàng loạt. Personal touch là cái touch của một người cụ thể . Tức là, một người khách bước vào công ty của bạn sẽ cảm thấy không phải là một “nhân viên” của công ty nói chuyện với một “khách hàng”, và mà như hai người bạn thân thiết lâu ngày gặp lại. Nếu bạn đào tạo được nhân viên để cho khách hàng được cảm giác đó, thì công ty bạn sẽ vượt trội và có cái mà các công ty khác không thể có (vì đa số các công ty không thể huấn luyện người như thế). Làm thế nào mà bạn luôn luôn có được personal touch với mọi người bạn gặp? Rất đơn giản bạn phải tự nhiên cảm thấy thích họ, quý họ, muốn nâng họ lên, muốn làm họ vui vẻ thoải mái. Tức là bạn phải tự nhiên thích người, trọng người, và muốn người là bạn của mình. Nói về kỹ năng thì nhiều, nhưng cơ bản gồm các yếu tố: Khiêm tốn, thành thật và yêu người. Nếu bạn có 3 điều này thì tự nhiên bạn yêu người và người yêu bạn. Cộng thêm vào đó là vài kỹ năng đáng nhớ: • Luôn luôn mỉm cười và nói chuyện tích cực. Không hề nói chuyện tiêu cực bao giờ. • Biết lắng nghe. • Nói ít hơn nghe. Nghe kỹ rồi mới nói. Đương nhiên là có nhiều kỹ năng khác, như là cách chào hỏi, cách trả lời điện thoại, cách bắt tay, cách đi đứng, cách cư xử… Các lớp quản lý thường có các môn này, nhưng các điều này là ngọn. Có ngọn mà không có gốc—khiêm tốn, thành thật, yêu người, tích cực, lắng nghe—thì có học các môn ngọn cũng vô ích. Tuy nhiên, đa số các công ty đều học ngọn mà không học gốc, vì gốc thì chẳng có nhiều để học, thành ra đại đa số các công ty chỉ lo ngọn. Đó là hitouch. Nếu bạn và nhân viên của bạn có được hitouch thì rất dễ cho công ty của bạn trở thành số 1, vì các đối thủ rất khó cạnh tranh với “tâm lực”, có tiền cũng không mua được. Chúc các bạn một ngày thành công. |