ĐBP - Để thực hiện thành công công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), truyền thông luôn là mũi nhọn được chú trọng, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về DS - KHHGĐ vào cuộc sống. Xác định được tầm quan trọng của truyền thông - giáo dục, ngay từ đầu năm, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động, giao chỉ tiêu cho 9 huyện, thị xã, thành phố và phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động xuống với đối tượng đích, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, chú trọng đến công tác truyền thông trực tiếp nhằm thuyết phục gắn với áp dụng các biện pháp tránh thai theo khẩu hiệu "hãy dừng lại ở hai con để góp phần xóa đói, giảm nghèo và nuôi dạy cho tốt". Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông mà nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến thay đổi hành vi về sinh đẻ có kế hoạch, những quan niệm : “có nếp, có tẻ”; “đông con đông của”... đã dần được xóa bỏ; tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần. Tuy nhiên, công tác dân số ở tỉnh ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: mức sinh còn cao; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở một số nơi có chiều hướng gia tăng; chất lượng dân số thấp, tỷ lệ tử vong mẹ, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn cao; mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đặc biệt ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng khó khăn tỷ lệ cao. Đây là những thách thức đặt ra cho chương trình dân số của tỉnh. Trước thực tế đó, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh xác định rõ, cần tăng cường công tác truyền thông, triển khai các nội dung truyền thông trực tiếp tới từng nhóm đối tượng, từng độ tuổi, từng vùng, từng dân tộc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có mức sinh cao, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh đưa nội dung về công tác DS - KHHGĐ vào chương trình giảng dạy cho học viên là cán bộ lãnh đạo các xã, phường, thị trấn. Sau thời gian học tập, trở về công tác họ sẽ là các tuyên truyền viên vận động tích cực tại địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo đưa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên/thanh niên vào trường. Chi cục vận động đổi mới phương pháp truyền thông, lựa chọn nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng; ngoài ra cử cán bộ là người dân tộc thiểu số xuống cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ và trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động. Đẩy mạnh thực hiện phương châm xã hội hóa công tác DS – KHHGĐ, huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội, phối hợp lồng ghép mục tiêu dân số với phát triển thông qua các hoạt động và chương trình công tác của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Lãnh đạo Chi cục DS - KHHGĐ đã chỉ đạo trung tâm dân số các huyện, thị xã, thành phố mỗi huyện thành lập một đội văn nghệ đem lời ca, tiếng hát, những vở kịch dí dỏm sinh động về công tác DS - KHHGĐ xuống với người dân; để tuyên truyền, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với việc triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về thực hiện mô hình gia đình nhỏ, ít con để có cuộc sống ấm no bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hoạt động truyền thông nhóm, tư vấn tại cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ thuộc các nhóm đối tượng phụ nữ, thanh niên, nông dân... đã phát huy hiệu quả tốt. Đồng thời, công tác DS - KHHGĐ cũng đã được đưa vào hương ước, quy ước của một số địa phương khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từ đó được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ngoài hoạt động truyền thông thường xuyên, mỗi năm Chi cục DS - KHHGĐ tổ chức 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Với các khẩu hiệu chủ yếu được tuyên truyền là: "Dừng lại ở hai con để góp phần xóa đói giảm nghèo và nuôi dạy cho tốt”; “Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”; “Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”; “Thực hiện công tác DS - KHHGĐ để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”… Chiến dịch là một trong những giải pháp góp phần thực hiện các chỉ tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 tại các địa bàn này. Ngoài truyền thông trực tiếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở với các cơ quan truyền thông đại chúng: Báo, đài; thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự, đưa tin tuyên truyền về công tác DS - KHHGĐ và thông qua các pa nô, áp phích, băng, đĩa... Chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi thời gian qua đã tạo được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội trong việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, phần lớn nhân dân đã hiểu được đông con là khổ, là đói nghèo, từ đó tự giác thực hiện các biện pháp tránh thai góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Người dân đã nhận thức đúng về lợi ích của chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, nam giới đã cùng vào cuộc sẻ chia trách nhiệm với phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Kết quả công tác DS - KHHGĐ đạt được trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhiều gia đình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia về công tác DS - SKSS trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020 đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của các cấp Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đặng Thúy Lan (Chi cục DS – KHHGĐ |
Truyền thông > Phương pháp truyền thông >